Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Làm mới động lực cũ, kiến tạo động lực mới cho phát triển kinh tế

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết giúp đất nước chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, khơi thông nguồn lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn, do vậy cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống. Đồng thời phải kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, tập trung vào 05 động lực chủ yếu: (i) thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, (ii) phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa, (iii) đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, (iv) hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và (v) nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Tại diễn đàn hôm nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có nhiều gợi ý chính sách quan trọng, ý nghĩa, thiết thực được các đại biểu đưa ra xoay quanh chủ đề của Diễn đàn.

Theo đó, về năng lực, động lực nội sinh, cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Kích cầu tiêu dùng nội địa. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận đề nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) về tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng, tích hợp, dễ điều chỉnh và hiện đại để bảo vệ các hộ gia đình trước những cú sốc một cách hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện độ bao phủ bảo hiểm xã hội để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già.

Đối với việc vận dụng, khai thác hiệu quả ngoại lực, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ xem xét chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; xem xét yêu cầu nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao đối với các doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư lớn hoặc doanh thu cao; doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô vốn lớn hoặc doanh thu cao sản xuất sản phẩm công nghệ cao; và doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu.

Để kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế thì lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam