Giải pháp tăng năng suất lao động trong ngắn và dài hạn

Không được "buông" năng suất lao động, an sinh xã hội dù khó khăn. Đây là nhấn mạnh của các diễn giả trong phiên thảo luận chuyên đề về “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an ninh xã hội trong bối cảnh mới”.

Chuyên gia của ILO cho rằng Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong 1 thập kỷ qua, tuy nhiên, so với các nước ASEAN hiện nay vẫn còn khoảng cách, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất, ông Felix Weidencaff cho rằng, tăng trưởng năng suất cần phải là một động lực mới của Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp như hiện nay, một số đại biểu cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất, một số đại biểu nhấn mạnh vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam.

Kết luận phiên chuyên đề này, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, về vấn đề năng suất, trong ngắn hạn năm 2023, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, về dài hạn, cần đổi mới cơ cấu nội ngành, tạo ra sự bền vững của năng suất, tạo sự đồng bộ trong các khâu triển khai, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam