Việt Nam liệu có thể thoát bẫy thu nhập trung bình?

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sáng 19/9, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã có những chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến việc nâng cao năng suất lao động.

Chuyên gia kinh tế của UNDP cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu, phần lớn các quốc gia còn lại là ở châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành cả công nghiệp và nông nghiệp.

Chuyên gia của UNDP chia sẻ, thực tiễn trước đây ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia có tốc độ tăng năng suất lao động tăng nhanh, tuy nhiên không duy trì được tốc độ sau khủng hoảng tài chính châu Á. Các quốc gia này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình, mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp, không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước. 

Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian. Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không. Theo chuyên gia của UNDP, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia. 

Hiện nay, việc Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp, nhất là ở khu vực công, còn các viện nghiên cứu tư nhân thì chưa được khuyến khích phát triển. Điều này là do các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển. 

Chuyên gia của UNDP chỉ rõ 2 vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Cụ thể, đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt, nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư. Bên cạnh đó, khả năng điều phối giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển còn thấp. 

Ngoài ra, chuyên gia của UNDP cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Theo ông, Việt Nam hiện nay chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số