Nhà thơ Thâm Tâm, nhà thơ Phạm Tiến Duật được đặt tên đường phố tại Hà Nội

Tại kỳ họp thứ 12 chiều 4/7, với 96,81% số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết đặt tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023.

Trong số 52 đường, phố đề nghị đặt tên mới năm nay (33 đường, phố mang tên địa danh, tên di tích…; 19 đường, phố mang tên danh nhân) có tên 2 nhà thơ: Thâm Tâm và Phạm Tiến Duật. 

Nhà thơ Thâm Tâm (1917 – 1950). Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Tên nhà thơ Thâm Tâm được đặt cho tuyến phố dài 595m, rộng 13,5m, trên địa bàn quận Cầu Giấy - từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính đối diện số nhà 89, cạnh Trường THCS Trung Hòa đến ngã ba giao cắt tại tổ dân phố 22 - phường Yên Hòa.

Nhà thơ - liệt sĩ Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình. Ông sinh năm 1917 trong một gia đình nhà giáo nền nếp ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Thâm Tâm ghi danh trong phong trào Thơ mới với bài thơ “Tống biệt hành” được đưa vào sách giáo khoa phổ thông sau này.

Nhà thơ Thâm Tâm (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp báo Vệ Quốc quân.
Ảnh: Tư liệu gia đình.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nhà thơ Thâm Tâm tham gia công tác tại Hội Văn hóa Cứu quốc, trong Ban biên tập Tạp chí Tiên Phong (1945-1946). Kháng chiến toàn quốc bùng nổ cuối năm 1946, ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân). Thâm Tâm mất sau một cơn bệnh đột ngột trên đường đi công tác trong chiến dịch Biên giới 1950. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. 

Ra mắt tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm. Ảnh: Tư liệu.

Tên phố Phạm Tiến Duật được đặt cho đoạn đường dài 460m, rộng 9m, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm - bắt đầu từ ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Chế Lan Viên tại tòa OCT1 Khu đô thị Resco đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Chế Lan Viên.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941 - 2007).
Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật (1941 – 2007) sinh tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trong một gia đình có cha là nhà giáo dạy chữ Hán. Nối nghiệp cha, ông vào học khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, ông rời bục giảng lên đường nhập ngũ. Trong 14 năm tại ngũ, Phạm Tiến Duật có 8 năm gắn bó với Trường Sơn và Đoàn 559. 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật tại Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Chính trong thời gian này, Phạm Tiến Duật đã sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng, trong đó bài thơ “Tiểu đội xe không kính” được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ từng được đánh giá là "có sức mạnh của cả một sư đoàn". Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát, trong đó tiêu biểu nhất là "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây".

Nhà thơ Phạm Tiến Duật được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012./.

Bài viết đề xuất

hinh anh tac gia

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Phản hồi
Liên quan
Liên quan
Mới nhất
Báo cáo phản hồi này
0 trả lời
Ẩn trả lời
Trả lời
Báo cáo phản hồi này
0