Quốc hội khóa XV với nhiệm vụ phất cao ngọn cờ của Đảng về văn hóa - Bài 2: Cần nguồn lực xứng tầm

Không chỉ dừng lại ở nêu vấn đề tại Hội thảo Văn hóa, Quốc hội thông qua hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất là Kỳ họp, tiếp tục làm “nóng”, “sâu hơn” các vấn đề tồn tại cũng như điểm nghẽn đối với lĩnh vực văn hóa. Từng phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường hay trong các phiên chất vấn là “chắt chiu” từ ý kiến cử tri, từ giám sát, khảo sát thực tiễn… Qua đó, đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt trong bố trí nguồn lực xứng tầm để phát triển văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội.

Tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội, “xâm lăng”, “xuống cấp”, “chưa xứng tầm” là những từ khóa được bàn luận nhiều về những bất cập trong lĩnh văn hóa thời gian vừa qua càng cho thấy giá trị của những vấn đề gợi mở tại Hội thảo Văn hóa năm 2022. Tiếp lửa thúc đẩy nhanh hơn việc kịp thời ban hành chính sách, nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận, chất vấn tại phiên toàn thể của Quốc hội tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn thực trạng và giải pháp về vấn đề này.
Mỗi kỳ họp, nghị trường Quốc hội lại sôi nổi, “nóng” hơn từ những trăn trở, tranh luận của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Bởi bao năm qua, việc đầu tư cho văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không đảm bảo theo quy định và đúng với kỳ vọng.
Phát triển sự nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên tại Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 6 có nêu rõ, “nguồn lực cho công tác văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu”.
Những năm qua, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, chưa xứng tầm, chưa đồng bộ và chưa hiệu quả. Đây là thực trạng đáng buồn khi nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng văn hóa chưa được đầu tư xứng tầm nhưng ngay cả khi “chưa xứng tầm” thì có một thực tế không mấy vui khi nhiều địa phương, văn hóa vẫn là lĩnh vực xếp cuối cùng trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách. Điều này cho thấy nhận thức ở các cấp đối với lĩnh vực quan trọng này vẫn còn chưa sâu sắc. Thực tế đáng buồn này đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm rõ nguyên nhân, giải pháp sớm khắc phục triệt để bất cập kéo dài do thiếu nguồn lực, tránh bỏ qua cơ hội phát triển của ngành văn hóa, bởi lẽ khi nguồn lực ngân sách cho phát triển văn hóa không đáp ứng yêu cầu, chắc chắn nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Không chỉ mức chi cho văn hóa thấp, mà tình trạng đầu tư cho văn hóa cũng còn dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về điện ảnh là một ví dụ. Trong khi phần lớn số tiền được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ công nghiệp điện ảnh và đầu tư trang thiết bị cho các hãng phim, việc đào tạo nguồn nhân lực lại bị bỏ qua, trong khi đây là nguồn lực quan trọng để phát triển văn hóa bền vững. Hay, các công trình văn hóa công cộng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng cho thấy những bất cập, thể hiện ở việc các công trình ít được sử dụng vì không phù hợp với phong tục, tập quán tại đây. Rất nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động cũng không hiệu quả so với kỳ vọng của xã hội...
Vẫn còn tình trạng cán bộ văn hóa phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc hay bố trí cán bộ làm văn hóa chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm về quản lý văn hóa. (Ảnh minh họa)
Việc bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa cũng rất tùy tiện. Rõ ràng vẫn còn tình trạng cán bộ văn hóa phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc hay bố trí cán bộ làm văn hóa chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm về quản lý văn hóa.
Đến nhiều địa phương, đại biểu Quốc hội nhận thấy, việc ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết của Đảng về văn hóa, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa chủ yếu là để báo cáo, còn những hành động cụ thể thì ít được triển khai. Dù gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta đã thấy có sự chuyển biến tích cực, nhưng các đại biểu vẫn hết sức lo ngại. Bởi, cũng giống như sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII, văn hóa được quan tâm đặc biệt, thể hiện ở các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, kể cả trong công tác cán bộ văn hóa, nhưng sau đó một thời gian, văn hóa lại ít được nhắc đến….
Không chỉ thế, theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, tổng chỉ tiêu khối văn hóa, nghệ thuật là hơn 6300, nhưng tỷ lệ tuyển chỉ đạt 68%, Đối với khối ngành quản lý văn hóa hầu hết các trường đều khó tuyển chọn được các sinh viên xuất sắc. Cụ thể chất lượng đầu vào luôn thuộc nhóm các ngành có điểm tuyển sinh vừa phải. Sinh viên theo học có tỷ lệ lớn là những sinh viên không thi đỗ nguyện vọng 1 ở các trường khác. Tình trạng sinh viên bỏ học sau năm thứ nhất còn nhiều, ảnh hưởng đến chỉ tiêu và chất lượng đào tạo của nhà trường.
Cả nước hiện có 75 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, gồm 69 Trung tâm Văn hóa, 4 trung tâm văn hóa điện ảnh và 2 trung tâm thông tin - triển lãm; cấp quận, huyện có 613/709 huyện có Trung tâm văn hóa hoặc Nhà văn hóa cấp huyện; 5.966/11.198 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Trong khi đó, số lượng cán bộ văn hóa hiện nay vẫn đang thiếu, đặc biệt là trong những ngành nghệ thuật.
Thực tế cho thấy, ở không ít nơi, việc coi văn hóa là nền tảng, động lực và mục tiêu phát triển chưa thực sự được coi trọng; vẫn còn tư duy, nhận thức coi và hiểu văn hóa như là “phong trào bề nổi”, là những hoạt động “cờ đèn kèn trống” trong đời sống xã hội.
Các đại biểu Quốc hội phản ánh, thực tiễn nắm bắt tại địa phương qua các cuộc giám sát cùng đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, trừ một số địa phương có truyền thống quan tâm đến văn hóa, nhận thức và hành động của nhiều địa phương đối với phát triển văn hóa nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như ý nghĩa và vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”, có cũng được mà thiếu cũng không sao! Văn hóa chủ yếu là mang tính phong trào chứ ít gắn bó với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xem văn hóa là cái đuôi, là cái bóng lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế, chưa cấp thiết, không phát triển cũng chẳng chết ai...
Đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Bạo lực học đường, trào lưu sản xuất các video clip trên các nền tảng xã hội có nội dung phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục, bạo lực chỉ với mục đích câu like, câu view…; tình trạng “xâm lăng văn hóa”, “xuất siêu văn hóa”, sùng ngoại thái quá dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc, hay nhiều những rối loạn xã hội khác dẫn đến những thách thức an ninh văn hóa xuất hiện trong thời gian qua cũng được đại biểu Quốc hội phản ánh ngay nghị trường Quốc hội để phân tích tìm nguyên nhân, bàn giải pháp.
Bên cạnh đó, nhiều di tích ở các địa phương đang xuống cấp mà chưa có nguồn lực tu bổ. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam, do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ nên hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh luôn có nguy cơ bị hư hại, xuống cấp, nhất là đối với các di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Hay nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở Nghệ An bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề, cũng chưa được khôi phục, sửa chữa…
Khu đền tháp Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho hay,  năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế, nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện, hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư, đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng…
Thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành với Chính phủ và ngành văn hóa trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán giữ gìn, bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa Việt Nam, đại biểu dân cử đề nghị cần sớm ban bành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Song song với phát triển kinh tế, việc xây dựng và phát triển văn hóa thời gian qua đã được quan tâm hơn, thể hiện qua các chương trình triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại các địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó trọng tâm là thế hệ trẻ, bởi họ là nguồn lực chính trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Hành vi của họ sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng, vì vậy vấn đề văn hóa số rất cần được quan tâm. 
Từ đó, đại biểu đề xuất Chính phủ cần chú trọng phát triển văn hóa khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, cần sớm hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo của Chính phủ là phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, nếu được xây dựng và ban hành đây sẽ là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá. Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thành công chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023.
Trong hoạt động khảo sát, giải trình, cùng với hoạt động thảo luận, chất vấn về nội dung văn hóa tại kỳ họp Quốc hội, hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đang tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023. Bước đầu triển khai hoạt động này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tiến hành rất nhiều các cuộc khảo sát thực tế tại: Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hà Nội; Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm; Bảo tàng Hà Nội; Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B (Quận 3) thành phố Hồ Chí Minh; …
Qua khảo sát cho thấy, hiệu quả sử dụng hệ thống này ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập… Ghi nhận bước đầu các ý kiến phản ánh, kiến nghị cũng như từ thực tế làm việc với các đợn vị tại các cuộc khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy, thực trạng các thiết chế văn hóa ở nước ta đang vừa thừa, vừa thiếu. Cụ thể: Các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo; Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân; Một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người biết đến hoặc không quan tâm, dẫn đến nguồn thu hàng năm đạt thấp; …
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ĐBQH tỉnh Phú Yên Đỗ Chí Nghĩa cho hay, khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đi giám sát, khảo sát ở các địa bàn thì lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn còn nhiều dư địa, nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Nghịch lý hiện nay là, các nhà hát không có diễn viên, diễn viên thì không có nhà hát… Ngoài ra, về nhân lực, một số đoàn nghệ thuật ở trung ương cũng rất khó khăn, có đoàn không có biên chế.
Nguồn dữ liệu từ hoạt động khảo sát sẽ là cơ sở quan trọng được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nghiên cứu, tổng hợp phục vụ việc tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023” dự kiến diễn ra vào vào cuối tháng 12/2023 tới đây. Qua đó, nhằm đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện, xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Như vậy, dù là tổ chức Hội thảo Văn hóa hay thực hiện các hoạt động “chất vấn”, “giải trình” đều là những hoạt động tạo tiền đề, xây “nền móng” cho việc thúc đẩy ban hành các chính sách phù hợp nhằm thích ứng “linh hoạt” với thực tiễn; phúc đáp “ngay” và “luôn” yêu cầu, đòi hỏi cần phải có nguồn lực xứng tầm  cho văn hóa để giữ vững, phát triển - “hồn cốt, “sức mạnh mềm” của dân tộc Việt Nam”./.

Không chỉ dừng lại ở nêu vấn đề tại Hội thảo Văn hóa, Quốc hội thông qua hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất là Kỳ họp, tiếp tục làm “nóng”, “sâu hơn” các vấn đề tồn tại cũng như điểm nghẽn đối với lĩnh vực văn hóa. Từng phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường hay trong các phiên chất vấn là “chắt chiu” từ ý kiến cử tri, từ giám sát, khảo sát thực tiễn… Qua đó, đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt trong bố trí nguồn lực xứng tầm để phát triển văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội.

8 phút

8 phút

Bài viết đề xuất

Phản hồi
Liên quan
Liên quan
Mới nhất
Báo cáo phản hồi này
0 trả lời
Ẩn trả lời
Trả lời
Báo cáo phản hồi này
0