GS.BS Trần Hữu Tước: Hạnh phúc càng sẻ chia càng đầy đủ

Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi nhớ đến một thế hệ những bác sĩ - lương y với tấm gương từ mẫu như GS Hồ Đắc Di, GS Hoàng Tích Trí, GS Phạm Ngọc Thạch, GS Đặng Văn Ngữ, GS Đặng Vũ Hỷ…; và GS.BS Trần Hữu Tước (13/10/1913 - 23/10/1983) - Đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV là một trong số đó. Con gái GS Trần Hữu Tước - bác sĩ Trần Tố Dung từng chia sẻ, nhân ngày sinh nhật tròn 20 tuổi của mình, cô được cha tâm sự: “Hạnh phúc thật ra, con nhớ lấy, phải tự mình làm nên, nhường chia vì người khác, ta sẽ càng đầy đủ!”.

Xuất thân trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội), Trần Hữu Tước thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Paris (Pháp). Bảo vệ luận án Bác sĩ y khoa xuất sắc năm 1937, ông làm bác sĩ nội trú và trợ lý cho Giáo sư Jacques Marie Lemée - chuyên gia danh tiếng về tai mũi họng của Bệnh viện Nhi khoa Necker - rất nổi tiếng ở Pháp. 

Bác sĩ Trần Hữu Tước trong phòng làm việc tại Paris (Pháp) - 1945. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Năm 1945, được tin Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam độc lập, bác sĩ Trần Hữu Tước suy nghĩ, phải làm gì cho xứng đáng nền độc lập, tự do của Tổ quốc mới giành lại được sau hơn 80 năm nô lệ đây?  

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái) và GS Trần Hữu Tước. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Vì thế, khi Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm nước Pháp, ngày 1/5/1946, bác sĩ Trần Hữu Tước đã gửi đến ông lá thư bày tỏ sự mừng rỡ, hân hạnh và cảm động được tiếp đón phái đoàn Đại biểu của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lần đầu sang nước Pháp. 

Thư bác sĩ Trần Hữu Tước gửi Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng (1/5/1946). Ảnh: Tư liệu gia đình.

Trong thư, bác sĩ chia sẻ, 13 năm sang lưu học bên quê người, chăm chỉ học hành để trở thành người có ích, ông luôn đau đáu nghĩ về đất nước. Nay được tin đất nước đã giành được độc lập nhưng người Pháp lại lăm le trở lại, ông bày tỏ nguyện vọng:

“.... Chúng tôi xin Trưởng ban lượng thứ, đã kể qua việc học hành cái nghiệp của mình không phải để khoe khoang vô ích, nhưng để Chính phủ và Trưởng ban tiên biểu xét xử về sự cần gấp về nhà.

Vậy có điều thiết thực xin Trưởng ban cho rõ, vì ở Paris, được một người giáo sư quý cẩn đã giao cho chức vụ trọng trách, phải vì lễ độ tự cáo cho biết ít lâu trước và chúng tôi cần biết xác thực để trù liệu xếp đặt sách vở và dụng cụ chuyên môn.

Các anh em bên nước nhà đã phải qua bao nhiêu thời kỳ kịch liệt gian truân, chúng tôi chẳng may chưa được gánh vác trực tiếp, rất lấy làm hổ thẹn; nguyện rằng “sẽ dùng hết tâm cơ để đền bồi dòng máu chảy thiết tha cho nền độc lập…”.

Bác sĩ Trần Hữu Tước (thứ 2 từ phải sang) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu về nước (9/1946). Ảnh: Tư liệu gia đình.

Lá thư như nhịp cầu để khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành thượng khách của Chính phủ Pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước đã tham gia giúp việc cho đoàn. Khi Người trở về nước, bác sĩ Trần Hữu Tước cùng kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng GS.VS Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân và kỹ sư Võ Đình Quỳnh đã về theo, tham gia kiến thiết quốc gia. 

Biết không thể nào ngăn được bước chân học trò về nước, Giáo sư Jacques Marie Lemée, lúc ấy đã hơn 60 tuổi, nói: “Anh bây giờ có Tổ quốc độc lập rồi, về phục vụ là phải, tuy tôi như mất một cánh tay!” và dặn dò “không bao giờ được bỏ nghề chuyên môn” đã dày công trau dồi. 

GS.BS Trần Hữu Tước tại chiến khu Việt Bắc (1/1954). Ảnh: Tư liệu gia đình.

Trần Hữu Tước đã thực hiện đúng lời thầy dặn, ông trở thành chuyên gia đầu ngành về tai mũi họng, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhiều năm, Chủ tịch đầu tiên Tổng hội Y học Việt Nam… 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Bạch Mai (1962), Giám đốc Trần Hữu Tước ngồi bên phải. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Với những đóng góp của mình vào sự nghiệp y tế, ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (1966), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1983), truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật đợt I (1996)… Thành phố Hà Nội đã dành một đường phố thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa mang tên Giáo sư Trần Hữu Tước.

Gia đình GS Trần Hữu Tước thăm nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu gia đình.

“Cuộc đời của cha tôi đã là một tấm gương về sự hi sinh và chia sẻ, không một chút nuối tiếc và ân hận vì hạnh phúc được sẻ chia số phận mình với số phận của đất nước, dân tộc. Đối với ông, niềm hạnh phúc được san sẻ lớn lao hơn bất cứ điều gì khác!” - bác sĩ Trần Tố Dung kể lại./. 

Nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), Truyền hình Quốc hội Việt Nam chia sẻ câu chuyện thú vị về bức ảnh đen trắng chụp 2 em bé Đặng Minh Châu và Vũ Thu Giang dâng hoa tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định thực hiện năm 1953. Bức ảnh sau này được phóng to làm tranh cổ động và in thành tem.

3 phút

3 phút

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu (1907 – 1988) người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969). Đồng chí Trường Chinh có 2 lần làm Tổng Bí thư của Đảng (1941 – 1956 và 7/1986 – 12/1986), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch Nước) 6 năm (1981 – 1987), Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1986 – 9/1988).

2 phút

2 phút

Trong hồi ức của mình, cụ Hồ Đức Thành (1913 – 2011) Đại biểu Quốc hội khoá I (1946 – 1960) tỉnh Nam Định kể lại: Từ lời phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá I. Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), THQHVN xin giới thiệu một phần nội dung hồi ức này (*). 

3 phút

3 phút

Là một trong 5 thành viên lãnh đạo phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Genève 1954, Bộ trưởng Phan Anh thường xuyên viết nhật ký. Diễn biến hội nghị qua nhật ký của ông chi tiết và chân thực. Kỷ niệm 70 năm Hội nghị Genève (1954 – 2024), được sự đồng ý của gia đình, Truyền hình Quốc hội Việt Nam xin giới thiệu một số nội dung được ghi lại trong nhật ký (*).

3 phút

3 phút

Bài viết đề xuất

hinh anh tac gia

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Phản hồi
Liên quan
Liên quan
Mới nhất
Báo cáo phản hồi này
0 trả lời
Ẩn trả lời
Trả lời
Báo cáo phản hồi này
0