Tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946, một đại biểu đã đề xuất vấn đề về Quốc ca. Trong biên bản buổi họp toàn thể ngày 2/3/1946 ghi lại, đại biểu này cho ý kiến: “Còn vấn đề Quốc kỳ và Quốc ca. Hiện nay lá Quốc kỳ của ta chưa có. Lá cờ đỏ sao vàng chỉ là tạm thời, nếu đem ra bắt quốc dân công nhận sự đó là sự bắt ép. Vậy ta cứ tạm nhận lá cờ ấy và giao cho Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp nghiên cứu sau, cả Quốc ca cũng vậy”. Ý kiến này được đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Sau 8 tháng chuẩn bị nội dung, tại kỳ họp thứ 2 cuối năm 1946, Quốc hội thảo luận về các chi tiết của bản Dự thảo Hiến pháp, vấn đề Quốc kỳ và Quốc ca trở nên sôi nổi.
Dưới đây chúng tôi xin dẫn lại việc Quốc hội lựa chọn Quốc kỳ và Quốc ca theo tư liệu của báo Cứu quốc năm 1946.

Theo tường thuật của báo Cứu quốc, tại phiên họp chiều ngày 2/11/1946, khi bàn đến Điều 3 là điều nói về lá Quốc kỳ, ông Phan Tư Nghĩa - đại biểu tỉnh Thái Bình đã thay mặt hai ông Đoàn Trọng Truyến - đại biểu tỉnh Thừa Thiên (Trung Bộ) và ông Nguyễn Văn Cái - đại biểu tỉnh Bến Tre (Nam Bộ) cùng yêu cầu Quốc hội không bàn cãi về lá Quốc kỳ. Lá Quốc kỳ nhất định phải là lá cờ đỏ sao vàng…
“Ông Nghĩa yêu cầu toàn thể Quốc hội cùng đứng cả lên để nghiêm trang chào Quốc kỳ. Quốc hội đều nhất loạt đứng dậy kính cẩn chào lá Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng thanh ca bài Tiến quân ca”, báo Cứu quốc thuật lại.

Tại phiên họp chiều ngày 8/11/1946 ở Hà Nội, Quốc hội đã biểu quyết về toàn thể bản Dự án Hiến pháp đã thảo luận ráo riết trong mấy hôm nay. Ngồi ghế Chủ tịch đoàn điều hành Quốc hội là ông Trần Hữu Dực. Báo Cứu quốc cho biết, sau khi ông Tôn Quang Phiệt đọc bản Tuyên ngôn về Hiến pháp do Quốc hội giao cho ông thảo, các đại biểu đại diện các đoàn thể lần lượt phát biểu ý kiến.

Ông Lê Tư Lành - đại biểu tỉnh Hà Nam - tán thành Hiến pháp và đánh giá Hiến pháp “có một đặc tính Việt Nam là cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca”. Ý kiến của ông Lành được các đại biểu Quốc hội vỗ tay vang dậy. Sau ông Lê Tư Lành, lần lượt các ông Phan Tư Nghĩa, Hồ Đức Thành, Đỗ Đức Dục, Phạm Gia Đỗ, Hoàng Anh và Khuất Duy Tiến phát biểu ý kiến. Nghe đại diện các đảng phái phát biểu ý kiến xong, ông Trần Hữu Dực yêu cầu bỏ phiếu. Quốc hội tán thành biểu quyết bằng giơ tay. Có 240/242 đại biểu tán thành thông qua Hiến pháp 1946.
Trước cảnh tượng này, công chúng dự thính ở khán đài Nhà hát lớn đã reo hò và vỗ tay vang dậy. Báo Cứu quốc tường thuật: “Ông Diệp Ba đề nghị toàn thể Quốc hội đứng dậy hát Tiến quân ca. Mọi người đứng dậy và bài hát hùng mạnh được tất cả mọi người cùng ca lên”.

Cuối cùng, Điều 3 Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946 khẳng định:
Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh.
Quốc ca là bài Tiến quân ca.

Đúng 30 năm sau, năm 1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất tiếp tục khẳng định bài Tiến quân ca là Quốc ca của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Ngày 2/7/1976, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh ký Nghị quyết khẳng định một lần nữa: Quốc ca nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là bài Tiến quân ca./.