Cố Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu: Pháp luật cần tiếp cận cuộc sống

Qua đời ngày 17/7/1997 khi đương là Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông Phùng Văn Tửu đã gắn bó cuộc đời với công tác pháp luật. Sinh thời, ông tâm niệm, phải có tư duy pháp lý mới để tiếp cận những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Ông Phùng Văn Tửu, tên trong nhà thường gọi là Tửu Anh, sinh ngày 22/7/1923 trong một gia đình nhà giáo giàu truyền thống yêu nước và hiếu học quê làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Cha ông là nhà giáo Phùng Văn Trinh, hiệu trưởng trường tiểu học Miếu Lạng (nay là xã Đông Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cụ giáo Trinh được nhân dân địa phương kính trọng, đặt tên trường Tiểu học Phùng Văn Trinh (xã Đông Lạc). 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu (22/7/1923 – 17/7/1997)

Chị gái của ông là thẩm phán Phùng Lê Trân - Chánh án TAND quận Ba Đình, Hà Nội, người được suy tôn “Bao Công của Việt Nam” khi làm chủ toạ phiên toà xử vụ án Tạ Đình Đề trắng án năm 1977.  

Tốt nghiệp trường Bưởi (Hà Nội), ông Phùng Văn Tửu vào học Trường Đại học Luật Đông Dương. Cùng thời gian này, ông giác ngộ cách mạng. Từ tháng 1/1950, ông về Bộ Tư pháp nhận nhiệm vụ Phó Trưởng phòng 4, Bí thư chi bộ cơ quan, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp (1954), Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Pháp lý (9/1981), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (1993)... 

Được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII (5/1981), khoá VIII (6/1987), khóa IX (9/1992), ông Phùng Văn Tửu là Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VIII và khóa IX. Đây là thời kỳ hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, tạo đà phát triển cho đất nước. Nhiều bộ luật mới được ban hành như Luật Đất đai (1993), Bộ luật Dân sự (1995), Bộ luật Lao động (1996)...

Ông Ngô Đức Mạnh, thư ký của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu, kể lại: Trong số những vấn đề pháp lý mới gây tranh luận kéo dài hồi làm Bộ luật Dân sự, có câu chuyện về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Quyền này năm đó là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân; cá nhân, hộ gia đình chỉ được giao đất sử dụng lâu dài, chứ không có quyền sở hữu đất. Hiến pháp năm 1992, rồi Luật Đất đai lại đề ra nguyên tắc cá nhân, hộ gia đình được quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài. Thành ra xác định quyền sử dụng đất ấy có phải là quyền dân sự của cá nhân, hộ gia đình hay không để ghi vào Bộ luật Dân sự là vấn đề gay cấn, qua nhiều lần tranh luận mà vẫn chưa ngã ngũ. 

Những buổi họp của Ban soạn thảo hay của cơ quan thẩm tra với các bộ, ngành, theo ký ức của ông Ngô Đức Mạnh, thường biến thành những cuộc tranh luận, nhiều lúc căng thẳng, đặc biệt là giữa các luật gia với nhau. Cuối cùng, Ban soạn thảo phải báo cáo lên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu để xem xét, cho ý kiến. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu (bên trái) thăm Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên - luật sư Vũ Trọng Khánh.

Chăm chú lắng nghe ý kiến của đại diện Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các chuyên viên, ông Phùng Văn Tửu đã kết luận cuộc họp, đại ý: Cần phải quy định chặt chẽ vấn đề quyền nhân thân, dân sự của cá nhân. Quyền sử dụng đất là vấn đề mới. Không chỉ nghĩ thuần tuý, máy móc về mặt quản lý, pháp luật cần tiếp cận đời sống, thấy tính hợp lý từ thực tế cuộc sống. 

“Chúng ta không nên tư duy pháp lý đơn thuần mà phải có tư duy pháp lý mới để tiếp cận những vấn đề mà cuộc sống đặt ra, để đưa cuộc sống vào pháp luật. Có như vậy thì mới bảo đảm cho pháp luật của chúng ta đi vào cuộc sống được… Tôi đề nghị nên đưa vấn đề về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình vào Bộ luật Dân sự”, ông Phùng Văn Tửu nói.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh./.

Nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), Truyền hình Quốc hội Việt Nam chia sẻ câu chuyện thú vị về bức ảnh đen trắng chụp 2 em bé Đặng Minh Châu và Vũ Thu Giang dâng hoa tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định thực hiện năm 1953. Bức ảnh sau này được phóng to làm tranh cổ động và in thành tem.

3 phút

3 phút

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu (1907 – 1988) người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969). Đồng chí Trường Chinh có 2 lần làm Tổng Bí thư của Đảng (1941 – 1956 và 7/1986 – 12/1986), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch Nước) 6 năm (1981 – 1987), Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1986 – 9/1988).

2 phút

2 phút

Trong hồi ức của mình, cụ Hồ Đức Thành (1913 – 2011) Đại biểu Quốc hội khoá I (1946 – 1960) tỉnh Nam Định kể lại: Từ lời phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá I. Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), THQHVN xin giới thiệu một phần nội dung hồi ức này (*). 

3 phút

3 phút

Là một trong 5 thành viên lãnh đạo phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Genève 1954, Bộ trưởng Phan Anh thường xuyên viết nhật ký. Diễn biến hội nghị qua nhật ký của ông chi tiết và chân thực. Kỷ niệm 70 năm Hội nghị Genève (1954 – 2024), được sự đồng ý của gia đình, Truyền hình Quốc hội Việt Nam xin giới thiệu một số nội dung được ghi lại trong nhật ký (*).

3 phút

3 phút

Bài viết đề xuất

Phản hồi
Liên quan
Liên quan
Mới nhất
Báo cáo phản hồi này
0 trả lời
Ẩn trả lời
Trả lời
Báo cáo phản hồi này
0